Hướng dẫn phân loại lao động theo điều kiện lao động theo thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH
Phân loại lao động theo điều kiện lao động là gì? Tại sao cần phải phân loại lao động theo điều kiện lao động? Doanh nghiệp không thực hiện phân loại lao động theo điều kiện lao động sẽ bị phạt như thế nào khi bị thanh tra? Tổ chức nào đủ điều kiện để thực hiện đánh giá phân loại lao động theo điều kiện lao động?… Trên đây có lẽ là những thắc mắc mà nhiều người và nhiều doanh nghiệp còn đang mắc phải. Hãy cùng Safety Care Group hiểu rõ hơn về phân loại lao động theo điều kiện lao động thông qua bài viết dưới đây.
1. Phân loại lao động theo điều kiện lao động là gì?
Phân loại lao động theo điều kiện lao động là phân loại các nghề, công việc có điều kiện lao động khác nhau ra thành các loại khác nhau theo các phương pháp phân loại được pháp luật quy định.
2. Tại sao người sử dụng lao động phải phân loại lao động theo điều kiện lao động?
- Doanh nghiệp cần thực hiện phân loại lao động theo điều kiện lao động để xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
- Phân loại lao động theo điều kiện lao động đối với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động (theo khoản 3 Điều 22 của Luật An toàn, vệ sinh lao động).
- Đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động đối với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ cho người lao động quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật An toàn, vệ sinh lao động sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng (theo khoản 5 điều 21 nghị định số 12/2022/NĐ-CP) .
3. Các loại điều kiện lao động
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc KHÔNG nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm.
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc ĐẶC BIỆT nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
4. Phương pháp, quy trình phân loại lao động theo điều kiện lao động
Theo TT số 29/2021/TT-BLĐTBXH thì việc thực hiện đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động cần phải tuân theo quy trình sau:
Thứ nhất: Xác định tên nghề, công việc cần đánh giá, xác định điều kiện lao động.
Thứ hai: Đánh giá điều kiện lao động theo hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động (gồm có 5 bước):
- Bước 1: Xác định các yếu tố có tác động sinh học đến người lao động trong hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động quy định tại Phụ lục I Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH bao gồm:
- Nhóm A: Nhóm yếu tố đánh giá về vệ sinh môi trường lao động bao gồm các yếu tố:
-
-
- Vi khí hậu
- Áp lực không khí
- Nồng độ hơi khí độc lớn hơn mức quy định của giới hạn cho phép
- Nồng độ bụi lớn hơn so với mức quy định của giới hạn cho phép
- Tiếng ồn trong sản xuất vượt giới hạn cho phép
- Rung xóc
- Điện từ trường tần số radio
- Điện từ trường tần số công nghiệp
- Bức xạ ion hoá
- Tiếp xúc với sinh vật có hại
-
-
- Nhóm B: Nhóm yếu tố đánh giá tác động về tâm sinh lý lao động bao gồm các yếu tố:
-
-
- Mức tiêu hao năng lượng cơ thể
- Biến đổi hệ tim mạch khi làm việc
- Mức chịu tải của cơ bắp khi làm việc
- Biến đổi chức năng hệ thần kinh trung ương
- Mức hoạt động não lực
- Căng thẳng thị giác
- Độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh
-
-
- Nhóm C: Nhóm các yếu tố đánh giá về Ergonomics – tổ chức lao động bao gồm các yếu tố:
-
-
- Mức tiếp nhận thông tin: số tín hiệu tiếp nhận trong một giờ (chỉ đánh giá các công việc trong ngành cơ yếu, bưu điện viễn thông, tin học)
- Mức đơn điệu của lao động trong sản xuất dây chuyền
- Nhịp điệu cử động, số lượng động tác trong 1 giờ
- Vị trí, tư thế lao động và đi lại trong ca làm việc
- Chế độ lao động
- Nội dung công việc và trách nhiệm
-
- Bước 2: Lựa chọn ít nhất 06 (sáu) yếu tố đặc trưng tương ứng với mỗi nghề, công việc. Các yếu tố này phải bảo đảm phản ánh đủ 3 nhóm yếu tố (nhóm A, nhóm B, nhóm C) trong hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động quy định tại Phụ lục I Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH.
- Bước 3: Chọn 1 chỉ tiêu đối với mỗi yếu tố đặc trưng đã chọn tại Bước 2 (vì mỗi yếu tố có thể có nhiều chỉ tiêu) để tiến hành đánh giá và cho điểm, trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
- Thang điểm để đánh giá mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của từng yếu tố là thang điểm 6 (quy định tại Phụ lục I Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH). Mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm càng lớn thì điểm càng cao.
- Thời gian tiếp xúc của người lao động với các yếu tố dưới 50% thời gian của ca làm việc thì điểm số hạ xuống 1 điểm. Đối với hóa chất độc, điện từ trường, rung, ồn, bức xạ ion hóa, thay đổi áp suất, yếu tố gây bệnh truyền nhiễm thì điểm xếp loại hạ xuống 1 điểm khi thời gian tiếp xúc dưới 25% thời gian của ca làm việc.
- Đối với các yếu tố quy định thời gian tiếp xúc cho phép thì hạ xuống 1 điểm nếu thời gian tiếp xúc thực tế khi làm việc dưới 50% thời gian tiếp xúc cho phép.
- Đối với những yếu tố có thể sử dụng nhiều chỉ tiêu (từ 2 chỉ tiêu trở lên) để đánh giá thì chỉ chọn 1 chỉ tiêu chính để đánh giá và cho điểm; có thể đánh giá các chỉ tiêu khác nhằm tham khảo, bổ sung thêm số liệu cho chỉ tiêu chính.
- Bước 4: Tính điểm trung bình các yếu tố theo công thức:
Ȳ=(Y1 + Y2 + … + Yn)/n
-
- Trong đó:
- Điểm trung bình cộng của các yếu tố.
- n: Số lượng yếu tố đã tiến hành đánh giá tại Bước 3 (n≥6)
- Y1, Y2,…Yn: Điểm của yếu tố thứ nhất, thứ hai,…,thứ n.
- Trong đó:
- Bước 5: Tổng hợp kết quả vào phiếu theo mẫu quy định tại Phụ lục II Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH và xác định điều kiện lao động theo điểm trung bình các yếu tố () như sau:
- Ȳ ≤ 1,01: Điều kiện lao động loại I;
- 1,01 < Ȳ ≤ 2,22: Điều kiện lao động loại II;
- 2,22 < Ȳ ≤ 3,37: Điều kiện lao động loại III;
- 3,37 < Ȳ ≤ 4,56: Điều kiện lao động loại IV;
- 4,56 < Ȳ ≤ 5,32: Điều kiện lao động loại V;
- Ȳ > 5,32: Điều kiện lao động loại VI.
4. Quyền lợi của người làm nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV, V, VI
4.1 Thời gian nghỉ ngơi:
- Ngày nghỉ hàng năm (Theo khoản 1 điều 113 bộ luật lao động 2019):
- Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ 14 ngày làm việc mà vẫn hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động (người làm công việc trong điều kiện bình thường chỉ nghỉ 12 ngày).
- Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ 16 ngày làm việc mà vẫn hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động (người làm công việc trong điều kiện bình thường chỉ nghỉ 12 ngày).
4.2 Quyền lợi riêng:
Đối với lao động nữ mang thai (Theo khoản 2 điều 137 bộ luật lao động 2019):
- Lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động thì được chuyển làm việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc/ngày cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Đối với người lao động cao tuổi (Theo khoản 3 điều 149 bộ luật lao động 2019):
- Người lao động cao tuổi không được các doanh nghiệp sử dụng để làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
Đối với lao động là người khuyết tật (Theo khoản 2 điều 160 bộ luật lao động 2019):
- Người sử dụng lao động không được cho người người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
Chế độ hưu trí, ốm đau, bệnh nghề nghiệp:
- Người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 điều 169 bộ luật lao động 2019 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (theo khoản 3 điều 169 bộ luật lao động 2019).
- Căn cứ theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ với số ngày:
-
- 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày);
- 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 – dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày);
- 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);
5. Chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV, V, VI
Theo điều 21 luật an toàn vệ sinh lao động 2015 số 84/2015/QH13
- Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
- Khi khám sức khỏe theo quy định, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
- Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
- Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
- Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
- Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả.
6. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc phân loại lao động theo điều kiện lao động:
Theo điều 10 Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH:
- Phải thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động lần đầu và khi có sự thay đổi về công nghệ, quy trình tổ chức sản xuất dẫn đến việc thay đổi về điều kiện lao động hoặc khi thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động mà phát hiện những yếu tố nguy hiểm, có hại mới phát sinh so với lần đánh giá trước đó nhưng phải bảo đảm thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động tối thiểu 1 lần trong vòng 5 năm.
- Đối với nghề, công việc tại nơi làm việc thuộc Danh mục nghề đã được người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp loại trừ, giảm thiểu tác động của các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì người sử dụng lao động tổ chức đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động và đề xuất về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để được xem xét, có ý kiến về kết quả đánh giá, phân loại lao động (các tài liệu gửi kèm được quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH (**)
- Tổ chức đánh giá, phân loại lao động theo phương pháp phân loại lao động được ban hành kèm theo Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH
- Người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Đối với các nghề, công việc đã được đánh giá, phân loại lao động theo quy định tại khoản 2 Điều Điều 9 Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH (**) này mà không còn đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm thì người sử dụng lao động không phải thực hiện các chế độ đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, sau khi có ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
7. Tổ chức nào có chức năng thực hiện đánh giá phân loại lao động theo điều kiện lao động
Tổ chức đánh giá phân loại lao động theo điều kiện lao động phải là tổ chức đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động (Theo điều 5 thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH).
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH
- Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH
- Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 số 84/2015/QH13
- Khoản 3 Điều 22 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 số 84/2015/QH13
- Khoản 5 điều 21 nghị định số 12/2022/NĐ-CP
- Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- Khoản 1 điều 113 bộ luật lao động 2019
- Khoản 2 điều 137 bộ luật lao động 2019
- Khoản 3 điều 149 bộ luật lao động 2019
- Khoản 2 điều 160 bộ luật lao động 2019
- Khoản 3 điều 169 bộ luật lao động 2019
Safety Care Group là đơn vị cung cấp dịch vụ phân loại lao động theo điều kiện lao động được nhiều doanh nghiệp tin tưởng và đánh giá cao.
Lý do nên chọn chúng tôi để thực hiện đánh giá phân loại lao động theo điều kiện lao động cho các doanh nghiệp:
- Là tổ chức quan trắc môi trường lao động được cấp phép
- Nhân sự có trình độ và kinh nghiệm
- Có công cụ thiết bị phục vụ đánh giá chính xác
- Có kinh nghiệm làm việc với nhiều công ty lớn trong nước
- Có phương pháp chỉ tiêu, mẫu chỉ tiêu phù hợp
Xem thêm các bài viết khác:
- An toàn khi làm việc trong không gian hạn chế
- Chu kỳ hiện chuẩn thiết bị đo
- Bí quyết vận hành xe nâng an toàn
- Hiệu chuẩn thiết bị định kỳ có cần thiết không
- Quy trình ứng phó khẩn cấp trong doanh nghiệp
- Kiểm tra thang máy định kỳ là kiểm tra những gì
- Tai nạn xe nâng và những điều cần lưu
Tìm hiểu thêm về dịch vụ của chúng tôi:
Safety Care Group – Let safety care, mishaps never dare
- Văn phòng đại diện: Tầng 1, tòa nhà Wonder House, số 25-27, đường số 4, Phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM
- Trụ sở chính: 120 Vũ Tông Phan, Khu phố 5, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. HCM
- Hotline: 0286 286 1257
- Website: https://safetycare.com.vn
- Email: info@safetycare.com.vn
- LinkedIn: https://www.linkedin.com/company/safety-care-group/
- Facebook: https://www.facebook.com/safetycaregroup
- Zalo OA: https://zalo.me/680739176612686490